|
Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia) |
Saudi Arabia hiện là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam ở khu vực Trung Đông với kim ngạch thương mại hai chiều hằng năm gần 2,7 tỷ USD năm 2022. Theo Đại sứ, những cơ hội nào trong hợp tác kinh tế đang đợi hai nước ở phía trước?
Đúng như bạn nhận xét, có thể nói Saudi Arabia là đối tác kinh tế hàng đầu của ta tại khu vực Trung Đông. Trước hết vì Saudi Arabia là thị trường lớn nhất trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Bên cạnh đó, cả hai nước đều có nhu cầu tăng cường quan hệ để hai nền kinh tế có thể bổ sung cho nhau, đặc biệt trong bối cảnh nước ta thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và đã vươn lên vị trí thứ 2 trong ASEAN về kim ngạch xuất nhập khẩu, còn bạn đang tích cực gấp rút đẩy mạnh triển khai các mục tiêu của Kế hoạch Tầm nhìn 2030 nhằm đa dạng hóa nền kinh tế. Đó là những điểm thuận để quan hệ giữa Việt Nam và Saudi Arabia đạt được những bước phát triển đáng ghi nhận những năm gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại.
Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm 2023, chúng ta xuất khẩu trên 608,2 triệu USD các sản phẩm sang Saudi Arabia, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2022 và nhập khẩu trên 956,5 triệu USD, giảm 11,4%. Điều đáng mừng nữa là giá trị nhập siêu hàng hóa đã giảm từ mức hơn 699 triệu USD xuống còn hơn 348 triệu USD, cho thấy các sản phẩm của Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế tại thị trường này.
Với kết quả đó, tôi cho rằng hợp tác kinh tế giữa hai nước đang đứng trước nhiều cơ hội lớn thời gian tới.
Về thương mại, các doanh nghiệp của ta có cơ hội tăng cường xuất khẩu các mặt hàng vốn là thế mạnh của ta và thị trường Saudi Arabia có sức tiêu thụ lớn như nông sản, thủy sản, thực phẩm, hàng dệt may, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử…
Về nhân lực, trong khuôn khổ Kế hoạch Tầm nhìn 2030, Chính phủ Saudi Arabia đang đẩy mạnh thực hiện các “siêu dự án”. Chính vì vậy, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội cung ứng nhân lực có tay nghề như kỹ sư, thợ lành nghề trong các lĩnh vực xây dựng, dầu khí, và xa hơn nữa là khách sạn, nhà hàng, y tá, điều dưỡng… khi Saudi Arabia đặt mục tiêu thu hút 100 triệu lượt khách du lịch vào năm 2030.
Về du lịch, hợp tác trong lĩnh vực này hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển vì một số lý do như người Saudi Arabia có thói quen cả gia đình cùng đi du lịch, nghỉ dưỡng dài ngày và sẵn sàng chi tiêu, mua sắm ở mức cao so với khách du lịch các nước khác. Do vậy, các doanh nghiệp du lịch của ta cần chuẩn bị các gói tour hấp dẫn, có chiến lược quảng bá nhằm thu hút khách từ Saudi Arabia và cả khu vực Trung Đông.
Ngay sau khi chính sách cấp Evisa cho công dân tất cả các nước được thực hiện, chúng tôi nhận thấy nhiều người dân Saudi Arabia và cả công dân các nước khác đang làm việc và sinh sống tại Saudi Arabia tỏ quan tâm và lên kế hoạch sang Việt Nam du lịch.
Đây là tín hiệu đáng mừng không chỉ cho ngành du lịch Việt Nam mà còn mở ra các cơ hội tăng cường trao đổi thương mại do có nhiều khách du lịch Saudi Arabia sẽ kết hợp vừa du lịch vừa tìm hiểu cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
Từ ngày 11-13/9/2023, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với Đại sứ quán Saudi Arabia và Phòng Thương mại và Công nghiệp Riyadh đón đoàn doanh nghiệp Saudi Arabia đến tìm hiểu về thị trường Việt Nam. Đại sứ đánh giá như thế nào về ý nghĩa của sự kiện lần này?
Với quy mô trên 50 doanh nhân, nhà đầu tư và đại diện một số Bộ, ngành của Saudi Arabia, đây có thể coi là đoàn doanh nghiệp lớn nhất của Saudi Arabia nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung tới Việt Nam thời gian qua. Chuyến thăm của đoàn doanh nghiệp được thực hiện trong bối cảnh cả doanh nghiệp của ta và bạn đều mong muốn mở rộng thị trường và quy mô hợp tác. |
Chúng tôi cho rằng đây sẽ là cơ hội tốt cho doanh nghiệp hai nước trực tiếp gặp nhau, trao đổi thông tin, tìm hiểu cách thức hợp tác, đồng thời cũng là cơ hội để ta quảng bá thêm về hình ảnh, đất nước, con người với doanh nghiệp Saudi Arabia, khẳng định Việt Nam có tiềm năng, đủ năng lực sản xuất các mặt hàng bạn có nhu cầu.
Tôi tin tưởng chuyến thăm sẽ tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp Saudi Arabia cũng như các doanh nghiệp tại các nước khác trong khu vực sang Việt Nam tìm hiểu và tìm kiếm các cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Được biết, đây là lần đầu tiên lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Riyadh dẫn đầu đoàn doanh nghiệp tới Việt Nam. Tại sao lại là Việt Nam, thưa Đại sứ? Doanh nghiệp Saudi Arabia đang nhìn thấy những cơ hội gì?
Từ góc độ Đại sứ quán và qua trao đổi với các doanh nhân và nhà đầu tư sở tại, tôi nhận thấy 3 điểm đáng chú ý: Một là, Việt Nam hiện nay được các doanh nghiệp khu vực Trung Đông đánh giá là điểm sáng tại khu vực Đông Nam Á, với nhiều loại sản phẩm hàng hóa mà khu vực có nhu cầu và sức tiêu thụ lớn như nông, thủy sản, thực phẩm, các sản phẩm điện thoại, linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị, hàng dệt may, nội thất, than củi, trầm hương, vật liệu xây dựng, gạch, đá ốp lát…
|
Đại sứ Đặng Xuân Dũng và cán bộ Đại sứ quán giới thiệu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại buổi trưng bày sản phẩm tại Tỉnh Al-Ahsa, Saudi Arabia. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia) |
Hai là, thành phần đoàn doanh nghiệp lần này (bao gồm nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau như công nghiệp, khai khoáng, nông nghiệp, du lịch, giải trí, bán lẻ, trầm hương, dệt may, nội thất và trang trí, hóa chất, cao su, chất dẻo, thực phẩm, đồ uống, công nghệ thông tin, dịch vụ y tế và làm đẹp…), cho thấy các công ty Saudi Arabia đánh giá cao khả năng sản xuất của ta trong nhiều lĩnh vực, tiềm năng hợp tác đa ngành nghề với các đối tác Việt Nam cũng như cơ hội đầu tư vào nước ta.
Ba là, tôi nghĩ bản thân nhu cầu bên trong của Saudi Arabia, về an ninh lương thực chẳng hạn, cũng thúc đẩy các công ty Saudi Arabia phải đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay.
Vừa qua, Việt Nam đã ban hành Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”. Đây là đề án đầu tiên đưa ra các định hướng lớn mang tầm quốc gia nhằm khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng và Saudi Arabia là một trong những đối tác và thị trường ưu tiên. Đại sứ nhận định như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực này?
Trước hết, có một sự thực là, nhiều công ty Việt Nam đã và đang xuất khẩu các sản phẩm Halal vào thị trường các nước Hồi giáo. Tuy nhiên, để có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường sản phẩm Halal toàn cầu với quy mô đạt trên 2,2 nghìn tỷ USD vào năm 2022 và dự báo tăng lên gần 4,2 nghìn tỷ USD vào năm 2028, chúng ta cần tăng cường xây dựng và phát triển ngành Halal một cách bài bản mới có thể tận dụng được cơ hội đang có.
Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” do Bộ Ngoại giao chủ trì và nhận được sự phối hợp với các Bộ, ban, ngành, doanh nghiệp và hiệp hội…mới đây đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng.
Đề án đưa ra các định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam một cách toàn diện, giúp các doanh nghiệp ta tham gia sâu, hiệu quả vào các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu.
Saudi Arabia là một trong những thị trường lớn nhất khu vực Trung Đông, có nhu cầu lớn đối với nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm, thời trang, dược phẩm, mỹ phẩm… Điều này cho thấy tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực Halal là rất lớn.
Đâu là những cơ hội và thách thức chủ yếu của doanh nghiệp Việt khi xâm nhập thị trường Halal của Saudi Arabia? Lời khuyên của Đại sứ đối với các doanh nghiệp Việt Nam đang quan tâm và muốn đầu tư tại thị trường Saudi Arabia?
Theo tôi, có hai thách thức chủ yếu cho doanh nghiệp khi thâm nhập thị trường này.
Thứ nhất, không nhiều doanh nghiệp và người lao động của ta hiểu và nắm rõ các quy định liên quan đến sản phẩm Halal do những quy định đó có liên quan đến những quy tắc, quy định của Hồi giáo. Thêm nữa, các doanh nghiệp của ta chưa có những cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal quy mô lớn.
Thứ hai, các trung tâm chứng nhận Halal của chúng ta còn ít và mới được thành lập, chưa nhận được sự công nhận rộng rãi của nhiều nước, trong đó có Saudi Arabia. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải tiếp cận dịch vụ chứng nhận Halal của các trung tâm tại nước ngoài, khiến chi phí để được cấp chứng nhận sẽ cao hơn.
Từ góc độ của Đại sứ quán, chúng tôi xin có một số lưu ý đối với doanh nghiệp Việt Nam đang quan tâm và muốn đầu tư tại thị trường Saudi Arabia như sau:
Thứ nhất, cần chú ý tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp đối tác, thị hiếu khách hàng cũng như quy định, quy trình cấp chứng nhận Halal, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để chắc chắn hàng hóa vào thị trường được thông quan kịp thời, giảm thiểu chi phí phát sinh.
Thứ hai, cần kiên trì trong giao dịch, tránh nóng vội để mất cơ hội hợp tác bởi tập tục kinh doanh tại Saudi Arabia và một số nước Ả-rập khác có một số khác biệt so với những thị trường tại Mỹ hoặc châu Âu. Ví dụ, trong tháng lễ Ramadan, việc liên hệ với đối tác vào ban ngày sẽ gặp khó khăn do thời gian này họ nhịn ăn, uống và chú tâm vào việc hành lễ.
|
Đại sứ Đặng Xuân Dũng và các đại biểu cắt băng khai trương Tuần lễ Amazing ASEAN tại Siêu thị Lulu, từ 6-12/9/2023. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia) |
Thứ ba, cần gửi hàng mẫu để khách hàng dùng thử, đánh giá chất lượng, mẫu mã… Doanh nghiệp cần chú ý quy cách đóng gói bao bì để khách hàng nhìn rõ sản phẩm bên trong, có thông tin bằng tiếng Anh, tiếng Ả-rập.
Thứ tư, bên cạnh việc sản xuất đóng gói, dán nhãn mác theo yêu cầu của khách hàng, ta cần chú trọng xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình để tạo vị thế trên thị trường.
Thứ năm, nếu muốn kêu gọi đầu tư hay hợp tác với đối tác Saudi Arabia thì ta phải cung cấp được cho bạn thông tin chi tiết về dự án, bản thuyết minh dự án phải được chuẩn bị kỹ và có sức thuyết phục cao về khả năng thực hiện, thời gian thu hồi vốn, tỷ lệ lợi nhuận…để bạn cân nhắc xem xét.
Công tác Ngoại giao kinh tế tiếp tục là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành Ngoại giao nói chung và của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói riêng. Thời gian qua, công tác này đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia thúc đẩy như thế nào, thưa Đại sứ? Xin Đại sứ cho biết những nỗ lực của Đại sứ quán trong việc kết nối doanh nghiệp và xúc tiến thị trường giữa hai bên?
Trong thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế với những nội hàm cơ bản của công tác này luôn là một trọng tâm hoạt động của Đại sứ quán. Trên tinh thần đó, Đại sứ quán đã chủ động tiến hành nhiều biện pháp cụ thể phù hợp với hoàn cảnh địa bàn để công tác ngoại giao kinh tế ngày càng đạt kết quả tốt hơn.
Thứ nhất, về thương mại, chúng tôi đã chủ động cung cấp thông tin của doanh nghiệp ta cho đối tác sở tại (xây dựng danh sách các doanh nghiệp, tiếp nhận hàng mẫu để trưng bày), đồng thời liên hệ mật thiết với các phòng Thương mại địa phương để tiến hành các hoạt động ngoại giao kinh tế, tổ chức trưng bày sản phẩm, tổ chức diễn đàn doanh nghiệp, kết nối B2B…
Bộ phận Thương vụ của Đại sứ quán là đầu mối kết nối thông tin trực tiếp giữa doanh nghiệp hai nước, cung cấp thông tin cập nhật về các chính sách thương mại, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn đo lường chất lượng của sở tại để các doanh nghiệp Việt Nam nắm rõ và tuân thủ.
Ngoài ra, Đại sứ quán cũng thường xuyên giúp xác minh, thẩm tra đối tác, doanh nghiệp và đưa ra những cảnh báo nhằm đảm bảo an toàn trong giao dịch với các đối tác mới, từ đó giúp hạn chế những rủi ro không đáng có đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Hàng năm, Đại sứ quán phối hợp với Siêu thị Lulu và các nước ASEAN tổ chức khai trương sản phẩm mới trong Tuần lễ Amazing ASEAN để tăng cường quảng bá các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đến người tiêu dùng sở tại và Ngoại giao đoàn. Năm nay, Tuần lễ Amazing ASEAN được tổ chức từ 6-12/9, và nhận được sự hưởng ứng tích cực của khách hàng ngay trong những ngày đầu khai trương.
|
Đại sứ Đặng Xuân Dũng phát biểu tại Tuần lễ Amazing ASEAN, diễn ra từ 6-12/9/2023. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia) |
Từ 17-20/9 tới, lần đầu tiên Đại sứ quán sẽ tham dự hội chợ thực phẩm lớn nhất tại Saudi Arabia (Foodex Saudi) nhằm quảng bá sản phẩm, kết nối thông tin, tìm kiếm đối tác giúp một số doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ hai, về đầu tư, chúng tôi tăng cường tìm hiểu thông tin, đặc điểm của các Quỹ đầu tư công, Quỹ đầu tư tư nhân của sở tại, các lĩnh vực đầu tư mà họ quan tâm và ta có nhu cầu, phương thức tiếp cận các Quỹ này để tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm. Tại các Diễn đàn Đầu tư - Thương mại tổ chức tại nhiều địa phương, ngoài mục đích thúc đẩy thương mại, chúng tôi cũng khuyến khích các bạn quan tâm hơn đến các chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Thứ ba, về du lịch, chúng tôi đã tích cực cung cấp thông tin, giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp ta với các đối tác sở tại, lồng ghép quảng bá về hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam cũng như các danh lam thắng cảnh của nước ta trong các sự kiện ngoại giao kinh tế do Đại sứ quán tổ chức. Những hoạt động như vậy đã góp phần đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với công chúng sở tại.
Cuối cùng, bằng chứng sống động nhất là Đại sứ quán đã cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Riyadh tổ chức đoàn các doanh nghiệp và nhà đầu tư vào thăm Việt Nam lần này. Cá nhân tôi rất mong muốn chuyến thăm sẽ thành công, mang lại kết quả thiết thực cho cả hai bên, thực sự làm tốt chỉ đạo của Chính phủ ta về việc lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ.
Nhân đây, tôi cũng xin khẳng định, Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu thị trường, tăng cường xuất khẩu để lan tỏa hơn nữa các sản phẩm “Made in Vietnam”, đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế nói chung, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!